Lịch sử và truyền thống Nghề thêu Quất Động

Tổng quan về làng

Làng nghề thêu Quất Động vốn là một làng quê cổ thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25 km về phía Nam. Ngôi làng này có vị trí nằm ngay ven đường quốc lộ 1A, được xem là nơi khởi nguồn của nghề thêu tay truyền thống tại Việt Nam.[1][2][3] Làng nghề thêu Quất Động nằm tại trung tâm xã Quất Động và có quy mô diện tích khoảng 50 hecta, trong đó diện tích đất ở khoảng 17 hecta, phần còn lại là đất nông nghiệp.[4] Đây được xác định là làng nghề thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch của Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.[4]

Lịch sử và truyền thống nghề thêu tại làng

Làng Quất Động đã có nghề thêu từ thế kỷ 17.[5] Ông tổ của làng nghề thêu Quất Động, cũng là ông tổ nghề thêu trên toàn Việt Nam là Lê Công Hành.[6][7] Năm 1646, ông được cử làm người dẫn đầu sứ đoàn sang Trung Quốc. Trong thời gian này, ông học được cách làm lọng và nghề thêu truyền thống của Trung Quốc.[8] Khi về nước, ông đã truyền tải những kinh nghiệm thêu của mình dạy cho dân làng Quất Động và một số làng khác về cách làm lọng, thêu thùa, pha từng đường kim mũi chỉ theo cách của người dân Bắc Kinh.[9] Hằng năm vào ngày 12 tháng 6 âm lịch, là ngày giỗ Lê Công Hành, dân làng và đại diện người dân địa phương làm nghề thêu đều về làng Quất Động để dâng hương tri ân ông.[10]

Ban đầu, làng Quất Động chỉ thêu chủ yếu phục vụ cung đình và tầng lớp quý tộc cũng như các sản phẩm trang trí trong đền chùa và phường tuồng.[11] Người thợ thêu ren thường làm những mặt hàng nghi lễ hay phục vụ cung đình như thêu câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình, chùa cùng các loại khăn chầu, áo ngự cho vua chúa.[12] Thời điểm này, kỹ thuật thêu chỉ dừng ở mức đơn giản, chỉ có năm màu chỉ vàng, đỏ, tím, xanh, lục.[9] Các loại hình thêu và kỹ thuật thêu lúc này còn thô sơ. Theo thời gian, nghề thêu càng phát triển và kỹ thuật thêu được cải thiện.[9] Trong hơn nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, nghề thêu tay tại Quất Động đã tạo nên những kỹ thuật thêu riêng biệt mà chỉ có người làng tại đây mới hiểu biết được.[13] Cuốn "Hà Đông tỉnh dư địa chí" của J.Rouan xuất bản năm 1925 cho biết số thợ thêu của tỉnh Hà Đông thời điểm đó là 1290 người, chỉ riêng làng Quất Động đã có 600 người.[14] Số thợ thêu tăng lên gấp đôi vào năm 1939 khi nghề thêu tại đây bước vào thời kì phát triển mạnh.[14]

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, trang phục cung đình, quan lại hoặc giới quyền quý đều lựa chọn làng thêu Quất Động là nơi thực hiện việc hoàn thiện các hoa văn.[13] Không những thế, những bức tranh thêu còn được các lái buôn sang biên giới kinh doanh tại nước láng giềng Việt Nam như Lào, Thái Lan.[9] Đến cuối những năm 1980, rồi đến khi sự kiện Liên Xô sụp đổ và sự tan rã của hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, nghề thêu tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Do mất thị trường, nhiều hợp tác xã đã phải giải thể vì không có việc làm.[14] Bước sang thời kỳ cận đại, làng thêu Quất Động mở ra một bước phát triển tiếp theo đó là sản phẩm tranh thêu. Những nét tinh hoa của nghề thêu từ nhiều đời trước được áp dụng vào tranh thêu một cách triệt để.[15] Nghề thêu ở làng Quất Động chỉ thực sự sự sôi nổi trở lại khi Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng chính sách đổi mới.[14]

Chấp nhận nền kinh tế thị trường, nghề thêu tại Quất Động đã được hồi phục và phát triển đáng kể.[14] Ngày nay, nghệ nhân làng thêu Quất Động đã và đang thừa kế làng nghề truyền thống và cho ra mắt nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Từ các nhóm hàng truyền thống, ngày nay các nghệ nhân còn thêu được những tác phẩm nghệ thuật, các bức thêu chân dung truyền thần và sáng tạo.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nghề thêu Quất Động http://arit.gov.vn/tin-tuc/suc-song-nghe-theu-c508... http://dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap%20chi%20DSVH/S... http://sovhtt.hanoi.gov.vn/lang-nghe-theu-quat-don... http://langvietonline.vn/Lang-Pho/153536/Lang-theu... http://quocphongthudo.vn/van-hoa-xa-hoi/bang-khuan... https://web.archive.org/web/20151124001605/http://... https://web.archive.org/web/20170615071025/http://... https://web.archive.org/web/20210512135943/https:/... https://web.archive.org/web/20210518215010/https:/... https://web.archive.org/web/20220126223953/https:/...